Anh yêu tôi và tôi cũng yêu anh. Cả hai chúng tôi đều cần đến nhau, cần có một mái nhà chung để cùng nhau xây dựng một gia đình. Nhưng khi chúng tôi quyết định tiến tới hôn nhân thì tôi mới biết đời không như là mơ và con đường dắt dìu nhau về một tổ ấm vẫn còn xa lắm. Anh là con một, lại là cháu đích tôn của cả một dòng họ gia giáo. Hơn nữa anh còn là người con hiếu đễ, luôn luôn coi tình cảm gia đình là thiêng liêng. Ba anh là thần tượng của anh đến nỗi mỗi lời nói của ông luôn luôn là khuôn vàng thước ngọc, là mệnh lệnh mà anh tuân theo một cách tự nguyện, vui vẻ với lòng biết ơn. Còn bố tôi lại là một ông già tu xuất khó tính khó nết, ‘’bảo thủ’’ ghê gớm, nhất là đối với những ai đụng chạm đến Chúa Kitô mà ông tôn thờ, và Hội Thánh của Người.
Anh đưa tôi về thăm nhà anh mãi dưới U Minh Thượng. Về tới nơi thì vừa trưa. Bốn bàn ăn thịnh soạn đã bày sẵn từ bao giở bao giờ. Không để cho tôi kịp rửa mặt mũi, thay quần áo, anh giới thiệu tôi với ba má, cậu cô chú thím dì dượng, và các em của anh. Hơn bốn mươi đôi mắt dán vào tôi làm mặt tôi nóng ran. Chưa nhấm một giọt rượu nào mà tôi đã cảm thấy người bừng bừng khó tả. Đám em gái anh xúm xít quanh tôi, đòi chụp hình kỷ niệm, lại còn một điều chị dâu, hai điều đại tẩu, làm chân tay tôi bủn rủn, miệng nói chẳng nên lời. Ba anh oang oang:
-Con xinh quá, lại dễ thương. Hèn chi thằng Hai nhà bác mê mệt chết bỏ. Nó khen con hoài à! Nhưng mà con theo đạo Thiên Chúa phải không? Trời ơi! Lại còn gốc Bắc Kỳ Công Giáo di cư nữa. Khó lắm chứ chẳng chơi đâu. Gia đình bác sẽ lên trển thưa chuyện với cha mẹ con. Nhưng nói trước à ngheng: Đạo ai nấy theo, hồn ai nấy giữ. Được chớ?
Rồi ông vỗ tay bôm bốp để tập trung mọi người nghe ông nói:
-‘’Một mai ai đứng minh tinh, ai phò giá triệu ai nghinh quan tài?’’
Ngừng một lát, ông tiếp:
-Ai là ai? Là thằng Hai nhà này chớ ai vô đó. Dứt khoát không có chuyện cho thằng Hai bỏ đạo thờ cúng ông bà tổ tiên, theo đạo vợ, phải không?
Tôi tủi thân thì ít, mà bất bình vì ông bảo đạo Công Giáo là đạo vợ thì nhiều mà không làm gì được. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Dì Út của anh an ủi tôi:
-Chuyện đâu còn có đó. Để dì nói với ổng cho. Dì cũng lấy chồng bên đạo, cũng Công Giáo nè.
* * *
Chúng tôi trở lại thành phố. Tôi buồn quá, một tuần lễ tôi không gặp anh. Anh gọi điện thoại, tôi không nhấc máy. Anh nhắn tin, tôi không đọc. Anh đến nhà, tôi không mở cửa. Tôi gọi điện cho cha tuyên úy Thiếu nhi Thánh Thể xứ đoàn Thánh Tâm mà ngày trước tôi là một huynh trưởng và là một giáo lý viên. Tôi kể hết cho cha câu chuyện của tôi. Cha nói với tôi như đinh đóng cột, với một lòng tin sắt đá:
-Trong Thánh lễ chiều nay, cha sẽ cầu nguyện cho con. Nhưng con ‘’hãy đến cùng Giuse’’ vì ‘’xưa nay không ai kêu cầu Cha mà vô hiệu’’.
Không phải như, mà đúng là một phép lạ. Ngay tối hôm ấy tôi đang có ý định gọi điện về quê cho bố tôi mà chưa biết nói thế nào để xin bố thu xếp cho tôi lấy chồng theo diện hôn nhân khác đạo thì chuông điện thoại reo. Tôi mở máy, số điện thoại bàn lạ hoắc mãi dưới Kiên Giang:
-Dì Út nè con. Dì đấu tranh kịch liệt mấy ngày trời liền, ổng mới nguôi ngoai. Phải giảng về chữ hiếu trong đạo mình hết hơi cho ổng, phải cầu nguyện hết lòng cùng Chúa, qua lời bầu chủ của mẹ Maria và thánh Giuse, ổng mới mở lòng ra, cho thằng Hai theo đạo. Giờ thì hai đứa thu xếp thời gian và công việc đưa nhau đi học giáo lý dự tòng và giáo lý hôn nhân đi, nghe chưa ?
* * *
Chúng tôi gọi điện đến nhà thờ B thuộc quyền các cha dòng Đ, một dòng Giáo Hoàng, xin học giáo lý. Cha H niềm nở:
-Rất vui lòng. Mời anh chị đến trước 19 giờ chiều nay.
Tan sở, chúng tôi không kịp ăn uống gì, vội vội vàng vàng xuất phát ngay từ lúc 18 giờ. Quãng đường chỉ hơn 3 cây số. Trời mưa tầm tã, lại kẹt xe, các phương tiện giao thông phải nhích từng tí một. Phải đến năm bảy lần đèn xanh đèn đỏ, chúng tôi mới qua được một ngã tư. Đến được nhà thờ thì đã 19 giờ 15. Cha H đã lên lớp giảng bài. Một cha còn rất trẻ (tôi biết đó là một linh mục nhờ chiếc cổ cồn) trách chúng tôi tới trễ và đón chúng tôi bằng một nụ cười đùa cực kỳ vô tâm, vô tình và vô duyên:
-Đạo nghĩa gì? Lại đạo vợ phải không?
Tôi chợt nhớ đến câu ba anh nói hôm tôi về quê anh, tôi phản ứng như một con robot:
-Thưa cha, cả tỷ người có vợ có chồng mà chẳng cần theo đạo. Nếu cha hạ thấp đạo Công Giáo xuống còn đạo vợ thì chúng con xin đi về.
Và chúng tôi đi về thật.
Tuần sau, chúng tôi đến học giáo lý ở nhà thờ C, một nhà thờ nổi tiếng, do các cha cũng thuộc một dòng Giáo hoàng đảm nhiệm. Cha phụ trách hùng biện quá. Lớp học rất sinh động. Lúc thì im phăng phắc, lúc thì sôi nổi hỏi và trả lời hoặc bàn luận hoặc cởi mở suy tư của mình. Suốt mấy giờ học, anh chăm chú nghe giảng và tham gia mọi sinh hoạt, đến độ quên cả tôi ngồi bên. Tôi mừng lắm. Nhưng trên đường về, anh nói:
-Các ông ấy bất mãn hay sao ấy, nói về chính trị nhiều quá. Mình đi học đạo chứ có phải học làm chính trị đâu. Phải tìm chỗ khác thôi.
Tôi bất đồng với anh, muốn giải thích, thậm chí tranh luận với anh. Nhưng khi biết anh đã quyết định, tôi im lặng, không muốn để xảy ra bất hòa.
Tuần sau nữa, chúng tôi đến một nhà thờ nghèo, gần như vô danh ở ngoại thành. Phụ trách lớp giáo lý là một giáo dân khoảng lục tuần, người quắc thước, đeo cặp kính cận nặng độ. Ông chào đón chúng tôi theo kiểu miệt vườn Nam Bộ, như thể ông và chúng tôi có bà con, dây mơ rễ má với nhau từ lâu:
-Tôi vui mừng chào đón anh chị. Anh thứ mấy? Thứ hai. Chị thứ mấy? Thứ út. Anh Hai, chị Út. Tôi thứ tư. Mình kêu nhau bằng thứ cho tiện. Cám ơn anh Hai đã cho chúng tôi có cơ hội được dẫn dắt anh về với Chúa Giêsu Kitô và Hội Thánh Người. Cho tôi gởi lời cám ơn ba má anh, cùng gia đình, đã rộng lượng cho anh đến với Chúa. Chúng ta vào lớp học…
Hơn một năm sau, khi thời gian dự tòng đã mãn, anh được lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, và chúng tôi trao ban bí tích hôn nhân cho nhau cùng một ngày 25/1, lễ kính thánh Phaolô trở lại. Tôi hết sức vui mừng vì chúng tôi nên vợ thành chồng, và vì anh đã là một Kitô hữu. Thêm vào đó, dì dượng Út của anh, ba má anh, cùng họ hàng nội ngoại của anh cùng tham dự thánh lễ một cách trang trọng càng làm cho niềm vui của chúng tôi trọn vẹn hơn.
* * *
Mùa chay, tôi giục anh đi xưng tội, anh trả lời tỉnh bơ:
-Anh không ăn gian nói dối, không cướp của giết người, không làm gì trái lương tâm, có tội gì đâu mà xưng?
Tôi giật thót tim. Lạy Chúa tôi! Có vị thánh nào dám nói mình vô tội trước mặt Chúa như anh vừa nói đâu. Nhưng tôi hiểu, anh nói rất chân thành, không hề ngạo mạn hay tự kiêu tự mãn. Tôi bỏ hẳn một buổi chiều ngày nghỉ Thứ Bảy, dùng hết khả năng và hiểu biết của mình (dù sao trước kia tôi đã từng là một giáo lý viên) diễn giải cho anh về tội. Nói hơi quá đáng, tôi giúp anh xét mình luôn. Anh có vẻ đồng ý, nhưng lại nói tỉnh bơ:
-Ừ thì cứ cho là mỗi người đều ‘’phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót’’. Nhưng anh có biết xưng tội thế nào đâu?
Tôi hiểu những điều anh học trong lớp giáo lý dự tòng đã dần dà rơi rụng hết. Tôi lại mất thêm một buổi chiều Chúa Nhật để nói cho anh về bí tích hòa giải.
Hình như việc tôi nói với anh hai buổi chiều liền làm anh tự ái. Biết tôi chẳng những không phiền hà mà còn vui lòng nữa, anh bỏ ra hơn nửa tháng lương, lùng sục khắp nơi, khuân về một đống tài liệu, toàn kinh sách, báo chí Công Giáo, để ngổn ngang trên bàn làm việc của anh. Tôi đùa:
-Chồng em tính làm luận án tiến sĩ Kinh Thánh, hay Giáo Luật đây. Nếu là chủ tịch hội đồng giám khảo, em sẽ chấm cho người sĩ sinh của em điểm tối danh dự.
Anh cười:
-Ít ra anh cũng phải học đạo để còn dạy vợ con chứ.
Tôi cũng cười:
-Dạy con thì đúng rồi, nhưng một tân tòng mà đòi dạy một nữ tín hữu bổn đạo gốc thì không dễ đâu.
* * *
Ngày thằng cu Tí, con trai đầu lòng của chúng tôi xưng tội rước lễ lần đầu, vợ chồng tôi mừng quá, làm mấy bàn tiệc ăn mừng. Khách mời tham dự đông đủ. Cha xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ và ban điều hành khu đến chia vui với chúng tôi vì thương chúng tôi là di dân và vì chồng tôi là tân tòng. Ông nội cháu vượt hơn 300 cây số từ quê lên. Ông bảo vợ chồng tôi:
-Cháu nội tao là cháu ‘’đít nhôm’’ đó ngheng. Tụi bay không dưỡng dục nó nên người, tao không tha cho đâu.
Bố tôi cũng từ dưới Cái Sắn lên, hỏi nhỏ:
-Cuộc sống của các con ra sao? Ý bố muốn hỏi về thằng con rể tân tòng của bố ấy mà.
Tôi trả lời ngay, không cần đắn đo suy nghĩ:
-Anh ấy rất tốt bụng, và có trách nhiệm. Con không đòi nài gì hơn nữa.
Trong bữa ăn, ngoài những lời chào thăm xã giao, gần như anh không nói gì, cho đến khi cha xứ yêu câu anh phát biểu. Anh đứng lên, nắm chặt hai bàn tay, mím môi, hít sâu hình như để lấy can đảm. Anh khẽ khàng:
-Vâng, con là một tân tòng, con xin nói lên những suy nghĩ của con với tư cách một tân tòng thôi. Con chắc rằng nhiều anh chị em tân tòng cũng có mặc-cảm-tân-tòng như con. Cái không cần (có khi còn vô hình chung tạo cho chúng con cảm tưởng bị kỳ thị) thì được nhắc đến thường xuyên. Ở nhà vợ con gọi con là anh chồng tân tòng; ông ngoại cháu Tí gọi con là chàng rể tân tòng, cháu đi học giáo các giáo lý viên chú thích là cha: tân tòng; giáo khu, giáo xứ gọi chúng con là gia đình tân tòng. Có khi chúng con còn được gọi là ‘’bổn đạo mới’’ nữa chứ. Muốn chứng tỏ mình là một Kitô hữu trưởng thành, tham gia phục vụ giáo khu, giáo xứ khó quá. Chúng con không dám, mà có dám, cũng chẳng ai đề bạt, cắt cử, bầu chọn chỉ vì chúng con là tân tòng… Làm sao chúng con có thể ‘’tham gia và hiệp thông vì sứ vụ trong tinh thần đồng trách nhiệm” được?
Anh lấy tay áo lau mồ hôi trán:
-Cái chúng con cần là giúp chúng con sống đạo thì lại bị bỏ quên. Thật ra cuộc sống quá khó khăn, kiếm được đồng tiền sạch quá vất vả, dòng chảy cơm áo gạo tiền cuốn hút chúng con đi. Những điều chúng con học được trong lớp giáo lý dự tòng làm sao chúng con nhớ hết được? Con xin kể một thí dụ của chính con: Con không biết ‘’xưng tội lần đầu’’ thế nào, vợ con phải dạy con hai buổi chiều đấy.
Mọi người cười rổn rang. Anh hài hước nói tiếp:
-Nhưng những người chồng không được vợ dạy, những người vợ không được chồng dạy, hay những đôi cả vợ lẫn chồng đều là tân tòng thì sao? Rõ ràng sau khi chịu phép rửa, chúng con bị bỏ quên. Tại sao bề trên có những ủy ban hay ban mục vụ gia trưởng, hiền mẫu, thiếu nhi, giới trẻ, di dân… mà không có mục vụ tân tòng? Hoặc có thì có cũng như không? Tại sao mỗi năm chúng ta không tổ chức tĩnh tâm cho các tân tòng ít là hai lần vào mùa chay và mùa vọng, giúp họ xưng tội rước lễ và giữ luật Hội Thánh? Tại sao anh chị em tân tòng không có một ngày lễ bổn mạng để gặp gỡ, chia sẻ vui buồn và nhất là những khó khăn trong việc sống đạo? Về việc chọn thánh bổn mạng, con xin mạo muội xin trình lên: chúng ta nên chọn lễ thánh Bảo Lộc Trở Lại, sau lần ngã xuống đất (Cv 9, 4) (Con không thích cụm từ ‘’ngã ngựa’’ vì Kinh Thánh không hề nói ngài ngã ngựa, hay lừa, hay la, hay xe kéo, hay đi bộ). Con đề đạt chọn thánh Bảo Lộc vì những lý do sau: 1/Đó là phiên âm Hán Việt rất quen thuộc tên của thánh Phaolô; 2/Dẫu sao, ngài đã từng là một tân tòng; 3/Lại nữa, Bảo Lộc còn có nghĩa là lộc báu, là ơn phước cả, là hồng ân; 4/Ngoài ra, Bảo Lộc còn còn có nghĩa là bảo vệ mầm non, ở đây là mầm mống đức tin khi một người nhận được khi lãnh bí tích rửa tội…
Anh nói xong, cả phòng tiệc im phăng phắc như chờ anh nói thêm. Anh cúi đầu chào. Sau đó là một tràng vỗ tay thật to, thật dài.
Tôi sững sờ nhìn anh. Tôi cảm nhận được rằng: Hạt mầm đức tin được gieo vào linh hồn anh ngày anh lãnh bí tích thanh tẩy đã đâm chồi nảy lộc, đã đơm hoa kết trái…, và ‘’trái đã chín rồi, tạ ơn Chúa, Chúa ơi’’- tôi thầm thĩ trong lòng.
nguồn:chuacuuthe.com
Nguyễn Ngọc Ngu Ngơ